Bạn thường nghe quảng cáo những chiếc đồng hồ có sử dụng kính Sapphire có khả năng chống trầy tốt, nhưng sau một thời gian sử dụng, bạn lại thấy trên mặt kính Sapphire có vết trầy. Lý do vì sao? Thực hư về khả năng chống trầy tốt của Sapphire có đúng không?
Một số chi tiết về vật liệu Sapphire
Vật liệu được sử dụng cho tinh thể đồng hồ là sapphire tổng hợp. Về cấu trúc, nó gần như giống hệt với sapphire tự nhiên và vẫn là dạng tinh thể của oxit nhôm.
Trạng thái kết tinh nhôm oxit nhôm, được gọi là corundum, tồn tại ở nhiều dạng khác nhau tuỳ theo nhiều cách thức mà chúng được tạo thành.
Hàm lượng các tạp chất khác nhau trong sapphire như sắt và crôm làm cho nó các sắc xanh, đỏ, vàng, hồng, tím, da cam hoặc lục nhạt.
Hồng ngọc (ruby) cũng thuộc nhóm corundum. Trong nhiều năm, các chuyên gia đã tranh luận về chuyện những loại đá gì được gọi là sapphire cho đến khi thống nhất được rằng corundum đỏ sẽ được gọi là hồng ngọc (ruby) còn corundum với tất cả các màu khác sẽ được gọi là Sapphire (xa-phia).
Sapphire (dù tự nhiên hay nhân tạo) là một trong những hợp chất cứng nhất thế giới.
Sapphire có độ cứng gần như tuyệt đối (9 điểm) chỉ đứng thứ sau vật liệu cứng nhất Trái đất là kim cương (10 điểm) trên thang đo Mohs (Hệ thống đo độ cứng của các loại khoáng vật), đó là lý do tại sao sapphire chỉ có thể bị trầy xước bởi vật liệu cứng hơn là kim cương.
Sapphire ngành đồng hồ được chế tác theo quy trình Verneuil với vật liệu duy nhất là bột nhôm oxit (Al2O3). Theo đó, bột nhôm sẽ được đem đi làm nóng chảy ở nhiệt độ cực cao khoảng 2054 độ C.
Sau khi nung nóng, Sapphire nhân tạo sẽ kết thành một khối tròn và được cắt lát bằng cưa mạ kim cương thành dạng hình đĩa sau đó được vát tròn và đánh bóng thành những mặt kính đồng hồ hoàn chỉnh.
Bên cạnh độ cứng hoàn hảo thì kính Sapphire còn sở hữu những đặc tính tuyệt vời như sáng bóng, chống ăn mòn, siêu cứng, hạn chế trầy xước. Bởi thế trong ngành sản xuất kính cho đồng hồ đeo tay, đặc biệt là những đồng hồ đeo tay cao cấp của thương hiệu lớn, sẽ sử dụng kính sapphire làm mặt kính cho đồng hồ.
Kính đồng hồ của bạn có phải là Sapphire? Một số bí quyết nhỏ để phân biệt giữa kính sapphire với kính khoáng (kính cường lực) và kính nhựa acrylic.
Tân Tân hoàn toàn không khuyến khích việc sử dụng các vật liệu cứng khác cạ lên bề mặt kính để phân biệt các loại kính, mặc dù đây cũng là một cách để dễ dàng nhận biết các loại kính.
Để nhận biết giữa kính sapphire và kính khoáng, bạn có thể cho hai loại kính tiếp xúc với nước. Nước trên bề mặt kính sapphire sẽ tạo thành bọng nước còn nước trên bề mặt kính khoáng sẽ bị chảy loan ra khắp nơi.
Đồng hồ Citizen bên trái là kính sapphire và nước trên mặt kính tạo thành các bọng nước, còn đồng hồ Citizen bên phải là kính khoáng và nước trên mặt kính đồng hồ sẽ nhanh chóng chảy loan ra.
Đó một phần là do tính chất hoá học cấu thành của mỗi loại kính.
Kính khoáng có thành phần hoá học là silica (SiO2), được tìm thấy trong tự nhiên ở dạng cát và có đặc tính hoà tan trong nước ở mức thấp, trong khi sapphire với thành phần nhôm điôxit (Al2O3 ) không có đặc tính hoà tan trong nước.
Còn để phân biệt giữa kính nhựa Acrylic và Sapphire thì đơn giản hơn, bạn có thể dùng móng tay gõ nhẹ lên kính. Kính Sapphire sẽ phát âm thanh to và trong hơn do vật liệu sapphire cứng hơn nhựa Acrylic.
Những nguyên do khiến mặt kính sapphire trên đồng hồ bạn bị trầy xước
Đầu tiên, có thể là do trong quá trình bảo trữ hay sử dụng đồng hồ, bạn đã vô tình cho mặt kính tiếp xúc với các vật liệu hay trang sức làm bằng kim cương, khiến bề mặt sapphire bị trầy xước.
Nhưng nếu bạn đã biết điều đó, và bạn không hề để cho kim cương tiếp xúc đồng hồ mà mặt kính sapphire vẫn bị trầy?
Đó là do trên bề mặt kính Sapphire thường sẽ có phủ một lớp mỏng hợp chất chống loá AR (Anti-reflextive).
Nếu bạn để kính sapphire đồng hồ dưới ánh sáng ở đúng góc độ, bạn sẽ thấy khúc xạ ánh sáng màu tím hoặc màu xanh, đó là lớp phủ chống loá AR.
Sở dĩ có lớp phủ chống loá là do Sapphire có tính chất phản xạ ánh sáng rất mạnh.
Nếu bạn xem giờ đồng hồ Sapphire vào giữa trưa, khi mà kính Sapphire không có lớp phủ chống loá, ánh nắng từ mặt Trời sẽ hắt mạnh từ kính Sapphire vào mắt bạn, gây hại cho giác mạc bạn sau này.
Mặt kính bên trái có phủ lớp chống loá nên không phản xạ ánh sáng nhiều như kính ở đồng hồ bên phải.
Các nhà sản xuất thường giải quyết vấn đề này bằng cách sử dụng lớp phủ AR ở trên bề mặt kính; hoặc cả bên mặt ngoài lẫn mặt trong để đạt hiệu quả tối đa trong việc cải thiện mức độ dễ đọc.
Tuy nhiên, vì lớp phủ AR khá mỏng, dễ trầy xước, sẽ hao mòn theo thời gian.
Vết xước nhẹ trên mặt kính Sapphire của bạn sẽ không phải do Sapphire bị trầy mà do lớp phủ chống loá AR đã bị xước.
Để giải quyết vấn đề này và giữ vẻ thẩm mỹ cho đồng hồ, bạn có thể đánh bóng nhẹ để làm bay hẳn lớp phủ chống loá trên bề mặt và cẩn thận hơn trong việc xem giờ ở nơi có độ sáng mạnh.
Những điều cần lưu ý trong việc sử dụng đồng hồ kính Sapphire
Khi mua đồng hồ, bạn hãy xem kỹ phần mô tả kỹ thuật trong sổ hướng dẫn kèm theo.
Các nhà sản xuất thường cung cấp thông tin về việc sử dụng lớp phủ AR được sử dụng ở cả hai mặt, hay chỉ ở mặt bên trong.
Hãy chọn cho mình một chiếc đồng hồ có lớp phủ AR ở mặt trong kính. Nếu không, bạn sẽ cần cẩn thận khi sử dụng đồng hồ kính Sapphire có phủ lớp chống loá ở mặt ngoài.