Đầu tiên chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua về chân kính là gì và thuật ngữ này được ra đời khi nào. Chân kính hay còn gọi là Jewel, là một bộ phận màu hồng đỏ bóng bẩy trong suốt có mặt trong các bộ máy của đồng hồ bất kể là máy cơ hay hay quartz. Những ổ trục có sử dụng chân kính đầu tiên trên thế giới được ba thợ chế tác người Anh là Nicolas Fatio de Duillier, Pierre và Jacob Debaufre giới thiệu vào năm 1702.
Vào thời điểm đó, phát minh này không được nhân rộng vì sự đắt đỏ của những loại đá quý được chọn làm chân kính. Phải đến đầu thế kỷ XX, thì chân kính mới được sử dụng nhiều hơn nhờ sự phát triển vượt bậc trong việc sản xuất đá quý nhân tạo từ đó giảm chi phí. Hiện nay thì ruby và corundum là hai loại đá quý được sử dụng nhiều nhất để làm chân kính trong đồng hồ.
Chân kính đồng hồ có ý nghĩa gì với bộ máy đồng hồ?
Trước tiên chúng ta sẽ phải hiểu được cơ chế hoạt động cơ bản của một bộ máy cơ trước.
Động lực giúp cho các chi tiết trong bộ máy hoạt động là do dây cót đồng hồ tạo ra. Khi bạn lên dây cót đồng hồ tức là bạn đang làm cho dây cót cuộn chặt lại. Động lực từ dây cót chính qua bốn bánh xe răng (gọi là hệ truyền động) truyền đến bánh xe cân bằng. Hệ truyền động làm cho kim trên mặt đồng hồ di chuyển. Bánh xe cân bằng có tác dụng như con lắc (quả lắc) của đồng hồ treo tường, nó là trái tim của chiếc đồng hồ. Vây xung quanh bánh xe cân bằng là những bánh răng cực nhỏ điều khiển đồng hồ chạy nhanh hoặc chậm.
Các loại bánh răng trong bộ máy đồng hồ đều được lắp trên trục và chúng không ngừng chuyển động khi dây cót nhả dần. Và trong quá trình đó sẽ sinh ra ma sát giữa những chi tiết nhỏ với nhau. Khi đó hai vật liệu làm cùng làm từ kim loại nếu cứ ma sát trong thời gian dài đến khi khô dầu sẽ khiến cho chúng bị mài mòn và làm hỏng cơ chế hoạt động của toàn bộ cỗ máy.
Để giảm ma sát giữa các chi tiết kim loại với nhau thì các trục bánh răng đều được lắp trên các chân kính làm từ những loại đá có độ cứng tốt hơn kim loại như kim cương, sapphire, đá rubi. Chân kính giúp cho sự ma sát giữa trục và ổ trục nhỏ hơn, như vậy tổn hao của đồng hồ càng nhỏ, hiện tượng giảm tốc và hao mòn của các chi tiết chuyển động trong đồng hồ cũng sẽ chậm hơn.
Như vậy tổng kết lại chúng ta sẽ thấy được chân kính có 5 chức năng chính trong bộ máy đồng hồ. Thứ nhất là làm giảm đi sự ma sát giữa các bánh răng để tăng độ chính xác. Dù vậy thì chức năng này chỉ giúp cải thiện độ chính xác ở mức độ vừa phải. Tiếp theo chính là tăng tuổi thọ của các bộ phận bị lực tác động giúp đồng hồ bền hơn. Đây là một trong 2 công dụng lớn nhất của chân kính. Thứ 3 chính là công dụng chống sốc để tăng độ bền cho các chân kính khác. Thứ 4 là một công dụng lớn khác, đó là giúp bộ máy đồng hồ trở nên đẹp hơn. Và cuối cùng là chân kính giúp tăng giá trị cho đồng hồ lên đáng kể nếu chiếc đồng hồ của bạn sử dụng những loại đá quý tự nhiên để làm chân kính như kim cương hay ruby tự nhiên.
Bao nhiêu chân kính là đủ cho một bộ máy đồng hồ
Theo những kinh nghiệm của mình có thể trả lời cho các bạn đó là số chân kính được coi là đủ sẽ thay đổi theo từng loại máy khác nhau. Những con số sau đây chỉ mang tính tương đối. Theo đó thì với những chiếc đồng hồ quartz thì số chân kính vừa đủ là khoảng 4 chân kính.
Với những mẫu đồng hồ quartz nhiều chức năng hơn như chronograph, có lịch thứ, ngày, tháng thì số chân kính cần là 6-7. Tiếp đến là đồng hồ cơ thì 17 là số chân kính trong những mẫu đồng hồ cơ lên cót tay. Với đồng hồ cơ tự lên cót, con số này sẽ là 21. Đồng hồ cơ có hai trống dự trữ năng lượng thì sẽ cần nhiều chân kính hơn, khoảng 23. Với những chiếc có nhiều chức năng thì số chân kính cần thiết là khoảng 25-27. Và số lương chân kính có thể lên tới hơn 40 với những chiếc đồng hồ cực kỳ phức tạp